Home Alone 3 (1997)
(Ở Nhà Một Mình 3)
Đạo diễn : Raja Gosnell
Diễn viên : Alex D. Linz
Sản xuất : 20th Century Fox
Kịch bản : John Hughes
Thể loại : Hành động, Hài
Xuất bản : 1997
Độ dài : 103 phút
Một nhà báo cho rằng: "Không còn Macaulay Culkin, không còn hai vị phụ huynh của cậu, không còn những pha lộn xộn, 'Home Alone' không còn là 'Home Alone'!”. Liệu nhận định này có quá khắt khe ?
Alex Pruitt (Alex D.Linz) là một cậu bé 8 tuổi thông mình, nghịch ngợm nhưng rất biết nghe lời người lớn. Lần này không hề bị bỏ rơi mà tự cậu giả vờ bị bệnh thủy đậu để khỏi phải đến trường. Bố cậu (Kevin Kilner) thì bận đi công tác còn mẹ (Haviland Morris) thì có mấy việc lặt vặt không thể ở nhà chăm sóc cậu. Vậy là Alex được một mình tung hoành trong căn nhà rộng rãi cả ngày.
Sau khi chăm chỉ quét tuyết cho bà hàng xóm Hess (Marian Seldes), cậu được trả công một chiếc xe đồ chơi điều khiển từ xa. Đây là món đồ bà cầm nhầm trong khi lấy hành lý ở sân bay mà không biết trong đó có con chip NSB-100 C Series điều khiển tên lửa của lực lượng không quân Mỹ. Bốn tên gián điệp Beaupre (Olek Krupa), Alice (Rya Kihlstedt), Jemigan (Lenny von Dohlen) và Unger (David Thomton) đã đánh cắp nó đem bán cho bọn mafia ở Hong Kong. Sau khi phát hiện con chip kia đã bị thất lạc, chúng cuống cuồng truy tìm chiếc xe. Khoanh vùng khu vực nhà Alex ở Chicago, bốn tên gián điệp lùng sục từng ngôi nhà và khi đối mặt với Alex, chúng đã được nếm mùi thất bại đau đớn.
Không còn vẻ ranh ma của Kevin McCallister, lần này khán giả sẽ được làm quen với cậu bé Alex rất dễ thương và lém lỉnh. Diễn xuất của cậu đã chinh phục được khán giả và đưa Home Alone 3 ra khỏi lối mòn của hai phần đầu. Cuộc tìm kiếm con chip và sự xuất hiện bốn tên gián điệp trong phim đa mang lại một diện mạo hoàn toàn khác cho bộ phim với tính chất căng thẳng hấp dẫn của thể loại hành động. Người ta không có cảm giác đây là một tác phẩm "ăn theo” mà thực sự làm mới bộ phim cũ với mạch phim được giữ nguyên, vẫn là một cậu bé "ở nhà một mình” và phải chống chọi với những vị khách không mời mà đến.
Tuy nhiên, giới phê bình thì không tiếc lời chê bai nhà biên kịch John Hughes khi ông này cứ "nhân bản vô tính” hết Home Alone này đến Home Alone khác. Họ cảm thấy phát ngán khi cứ phải đối mặt với mô-típ quen thuộc của cuộc chiến giữa người anh hùng nhí và những tên trộm ngu ngốc. Ngoài ra, hiệu ứng cho cảnh bão tuyết cũng bị "mổ xẻ” kĩ lưỡng bởi trông không thật chút nào. Người ta băn khoăn rằng từ thời những năm 1940, bộ phim It’s a Wonderful Life đã tạo ra được cảnh bão tuyết rất tốt, tại sao với những kĩ thuật tiên tiến hiện đại của thập kỷ 90, tiền đầu tư nhiều hơn, các nhà làm phim Home Alone 3 lại không làm được?
Nhà báo Beth Pinsker của tờ Dallas Morning News cho rằng: "Không còn Macaulay Culkin, không còn hai vị phụ huynh của cậu, không còn những pha lộn xộn, Home Alone không còn là Home Alone!”. Càng ngày khán giả càng cảm thấy những cái bẫy của cậu bé trong phim trở nên "quá đáng” và quay sang thông cảm cho bọn trộm tội nghiệp. Thậm chí có vị còn khó chịu thốt lên: "Lại Ở nhà một mình…” với vẻ chán nản khi thấy người sản xuất Home Alone 3. Tóm lại, phần 3 cho Home Alone hoàn toàn không cần thiết nếu muốn giữ lại hình ảnh một chú bé bị bỏ rơi rất thông minh nghịch ngợm mà vô cùng đáng yêu trong lòng người hâm mộ. Nhờ tiêu đề ăn khách, doanh thu bộ phim đạt hơn 30 triệu USD, nhưng cũng chỉ bằng 1/6 phần hai và bằng 1/9 của phần một.
Pass:tddt.us.to