Đạo diễn : Park Chan Wook
Diễn viên : Choi Min Sik
Sản xuất : Show East
Kịch bản : Park Chan Wook
Thể loại : Kinh dị
Xuất bản : 2003
Độ dài : 119 phút
Nội dung :
Vào năm 1988, Oh Dae Soo đột nhiên bị bắt cóc và bị nhốt trong một căn phòng khép kín. 15 năm sau, anh bất ngờ được thả ra nhưng sau đó lại nhận được một cú điện thoại mà đầu dây bên kia chính là kẻ bắt cóc. Một lần nữa, hắn lại kéo anh vào một trò chơi mới.
Mối liên hệ duy nhất của Oh Dae Soo (Choi Min Sik) khi bị giam cầm trong căn phòng nhỏ là chiếc ti vi và khung cửa sổ hướng ra bầu trời. Năm tháng đằng đẵng trôi qua. Qua màn hình, anh biết được rằng người vợ đã bị sát hại và anh chính là kẻ bị tình nghi số 1 của vụ án này. Niềm hy vọng duy nhất giúp anh tồn tại trong nỗi đau khổ tột cùng là ý chí sắt đá quyết trả thù cho những gì bản thân và gia đình anh đã phải gánh chịu. 15 năm sau, Oh Dae Soo được thả ra mà không hề nhận được một lời giải thích. Ngay lập tức, con người của lòng thù hận lên đường truy tìm nguồn cơn của mười mấy năm trời đau khổ và tuyệt vọng. Nhưng anh tiếp tục gặp phải những cơn ác mộng tưởng chừng không bao giờ chấm dứt.
Trong phim, những cảnh đ**ng độ được thực hiện khá sáng tạo như cảnh Oh Dae Soo đứng trong hành lang, tay giơ chiếc búa và đối đầu với khoảng hai mươi đối thủ. Trận chiến nhiều khi được thu hình theo góc nghiêng hoặc máy quay lướt qua các nhân vật tạo được những hiệu quả khá ấn tượng. Tông màu chủ đạo là nâu đỏ hoặc vàng đậm có vẻ làm tối khung hình nhưng lại nổi bật tâm trạng và tình cảm của nhân vật chính.
Chủ bút của tờ Movie Cool đã nhận xét: "Xem xong bộ phim, tôi cứ nghĩ đây phải là sản phẩm của những tượng đài như Friedkin, Scorsese hay Polanski. Nhưng không phải, ông ta đến từ Hàn Quốc và ông ấy là một thiên tài. Bộ phim của ông ấy tuyệt cú mèo.Có một lời khuyên cho bạn trước khi xem, nên ngậm cái gì đấy vào miệng, vì khi xem xong coi chừng hàm răng của bạn chẳng còn".
Trong một bối cảnh khá điển hình, Oh Dae Soo săn tìm nguyên nhân sự bắt cóc cùng người bạn đồng hành là một cô gái trẻ. Trên con đường ấy, anh thích sử dụng bạo lực thay cho lời nói. Đó là hậu quả tất yếu của những ngày tháng câm lặng và kìm nén mọi thứ cảm xúc. Đạo diễn Park đã nói rõ ý tưởng của ông: "Càng mong muốn thoát khỏi bạo lực thì dường như con người lại càng vướng vào nó". Trong thời đại ngập tràn những điện thoại di động, trò chơi điện tử, nơi những con người gặp nhau hàng ngày đến nhẵn mặt thì việc "bị" bắt cóc gần giống như là một cuộc giải thoát, hay sâu xa hơn là sự trở về, trở về với một chút kinh dị của Hitchcock (Vertigo) hay một chút rùng mình của thiên tài Roman Polanski (Chinatown)... Đó cũng là những giá trị muôn đời mà nhiều người trong cuộc sống hôm nay đã vô tình bỏ quên trong ký ức.
Ý chí trả thù tồn tại trong tâm khảm của Dae Soo trong suốt 15 năm trời giúp anh tồn tại, nhưng nó cũng ra sức gặm nhấm tâm hồn anh, phản lại chính bản chất thực trong con người anh, biến anh thành một con quái vật khiến người ta liên tưởng tới sự hiện diện của nhân vật khủng khiếp Frankenstein.
Tại LHP Cannes 2004, Old Boy của đạo diễn Park Chan Wook đã vinh dự nhận được Giải thưởng lớn, mang lại niềm tự hào cho điện ảnh Hàn Quốc nói riêng và cả châu Á nói chung. Đây cũng là bộ phim nằm trong bộ ba "phim báo thù" của đạo diễn này cùng với Sympathy for Mr. Vengeance và Sympathy for Lady Vengance.
Cũng có thể nhận ra trong Old Boy những bi kịch mượn từ những truyền thuyết Hy Lạp: những nhân vật chìm đắm trong thù hận, những trò được thua trên cả mạng sống và sự phong phú của những diễn biến đầy kịch tính. Những xác trẻ con bị đốt cháy hay cảnh gân chân bị cắt đứt là những hình ảnh dữ dội và ghê rợn, khác hoàn toàn so với những bộ phim quen thuộc của điện ảnh Hàn Quốc. Nhưng Old Boy thực sự đúng kiểu một bộ phim kinh dị, giật gân vì nó đã khiến không ít khán giả suýt chút nữa nuốt mất lưỡi vì sợ
Phần tiếp theo PC:
| 2 |