Cuộc săn lùng tác phẩm của Trương Ái Linh - nữ tiểu thuyết gia được yêu thích nhất tại Trung Quốc thế kỷ 20 - đang lên đến đỉnh của một cơn sốt chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Sự hồi sinh này bùng phát mạnh mẽ khi phim "Sắc giới" chuyển thể từ truyện ngắn của bà làm nóng các rạp chiếu phim trên thế giới.
Đĩa lậu phim Sắc giới của đạo diễn Lý An đã len lỏi tới mọi ngóc ngách ở Thượng Hải và Bắc Kinh. Nhưng khán giả Trung Quốc đại lục vẫn hối hả bay sang Hong Kong để được thưởng thức bộ phim một cách trọn vẹn sau khi đã xem bản bị cắt xén qua khâu kiểm duyệt trong nước. Một cuộc giằng co cũng dấy lên sôi nổi giữa Nhà xuất bản Đài Loan Crown - đơn vị giữ bản quyền toàn bộ tác phẩm của Ái Linh - với giới làm sách Trung Quốc, khi có hơn chục nhà xuất bản đại lục cùng hiệp lực đặt ra nghi ngờ về quyền sở hữu tác quyền của Crown và tính hợp pháp của bản di chúc của nhà văn.
Nhà văn Trương Ái Linh.
Nhà văn Trương Ái Linh. Ảnh: chinadigitaltimes.
Những ai không đủ điều kiện sang Hong Kong cũng có cơ hội bù đắp sự thua thiệt của mình bằng cách chen chân đến nhà hát, xem vở kịch chuyển thể từ Red Rose, White Rose - một tiểu thuyết khác của Trương Ái Linh, do đạo diễn Tian Qinxin dàn dựng. Truyện xoay quanh Zhenbao, một chàng trai trẻ vừa trở về Thượng Hải sau nhiều năm học tập ở Anh. Anh đem lòng yêu say đắm cô bạn xinh đẹp Red Rose nhưng vì mẹ nên buộc phải cưới cô gái khác là White Rose. Trương Ái Linh đưa ra một kết luận, mỗi người đàn ông đều ít nhất một lần trong đời phải đối mặt với tình huống tương tự. Và chọn con đường nào cũng không tìm được hạnh phúc. Nếu cưới Red Rose, hôn nhân trở thành "vệt máu của con muỗi chết dính lại trên tường". Còn nếu cưới White Rose, cuộc sống gia đình sẽ là "một hột cơm bầy nhầy dính trên quần áo".
Trương Ái Linh (1920-95) được coi là nhà văn của phụ nữ. Truyện của bà đầy ắp những đam mê tình yêu, sự ngoại tình, bội tín, những trái tim tan vỡ của con người thuộc tầng lớp trung lưu ở Thượng Hải trước cách mạng. Bà viết tiểu thuyết đầu tay từ khi mới 12 tuổi, xuất bản Red Rose, White Rose ở tuổi 24 và nổi tiếng với phát biểu: "Chúng ta nên nổi tiếng càng sớm càng tốt. Nếu danh vọng đến muộn, sự hân hoan sẽ không được trọn vẹn".
Sắc giới là câu chuyện về một nhóm sinh viên trong cuộc kháng chiến chống Nhật của người dân Trung Quốc. Vương Giai Chi - một cô gái xinh đẹp - nhận nhiệm vụ ám sát một tên Hán gian. Để quyến rũ kẻ địch, Giai Chi đã phải học cách làm tình với người bạn trong nhóm. Nhưng sau nhiều lần ân ái với kẻ phản bội, Giai Chi rút cục đem lòng yêu kẻ thù. Truyện chỉ dài khoảng 10 nghìn chữ, nhưng nhà văn đã phải viết đi viết lại trong vòng 20 năm. Bộ phim chuyển thể từ tác phẩm, do Lý An đạo diễn đoạt giải Phim xuất sắc tại giải Kim Mã 2007, giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice hồi tháng 9 và gây xôn xao dư luận với những cảnh sex quá nóng bỏng.
Hai nhân vật chính trong phim 'Sắc, Giới'.
Hai nhân vật chính trong phim "Sắc giới". Ảnh: Movieweb.
Cuộc đời nhà văn Trương Ái Linh cũng bi kịch không kém những nhân vật được miêu tả trong các tác phẩm. Ái Linh sinh năm 1920 tại Thượng Hải trong một gia đình thế gia vọng tộc. Năm nhà văn lên 5 tuổi, mẹ bà sang Mỹ, sau khi bị chồng phản bội và ngang nhiên sống với một a hoàn. Cha của Ái Linh về sau trở thành kẻ nghiện ngập. Mẹ bà trở về Trung Quốc, khuyên chồng từ bỏ người vợ lẽ và đoạn tuyệt với ma túy. Nhưng cuộc hôn nhân giữa hai người vẫn không tránh khỏi tan vỡ. Tuổi thơ đầy đau khổ đã để lại trong trang văn Trương Ái Linh những dư âm bi quan, tuyệt vọng.
Năm lên 8 tuổi, Trương Ái Linh đã bắt đầu đọc Hồng Lâu Mộng. 4 năm sau, bà viết tiểu thuyết đầu tay.
Trương gặp người chồng đầu tiên Hồ Lan Thành năm 1943. Họ kết hôn một năm sau đó, Nhà văn yêu chồng một cách say đắm, dù ông từng có một đời vợ và là kẻ phản bội thân Nhật. Năm 1945, khi phát xít Nhật bị đánh bại, Hồ Lan Thành chạy đến Ôn Châu và sống với một người đàn bà khác. Ái Linh vô cùng đau khổ, nhưng chỉ khi tìm gặp được người chồng bội bạc, bà mới nhận ra, cuộc hôn nhân của mình là không thể nào cứu vãn. Họ ly dị năm 1947.
Vào những năm 1950, Trương đến Hong Kong và sau đó sang Mỹ định cư. Kể từ đó, bà không trở lại Trung Quốc một lần nào nữa. Năm 1956, nhà văn kết hôn lần thứ hai với nhà biên kịch Mỹ Ferdinand Reyer. Reyer bị liệt sau một tai nạn vào năm 1961. Năm 1967, ông qua đời. Từ đó, nhà văn sống nép mình và chết một cách lặng lẽ trong một căn hộ đi thuê ở Los Angeles vào 1995.
Sau cách mạng, tác phẩm của Trương Ái Linh bị cấm tại Trung Quốc suốt một thời gian dài. Bà chỉ được đọc lại trong những thập kỷ gần đây.
"Tác phẩm của Trương Ái Linh ngày càng trở nên cuốn hút, vì chúng không liên quan đến chính trị, đến chủ nghĩa dân tộc. Đó là những câu chuyện về con người cá nhân", đạo diễn Tian Qinxin nhận xét.
Tập tiếp theo:
| 2 |